CÁCH XƯNG HÔ TÊN NGƯỜI

TỤC LỆ XƯNG HÔ TÊN NGƯỜI VIỆT NAM

Ở đâ tôi không nghiên cứu cách xưng hô các danh từ thân tộc như anh, chị, em, chú, bác, ông, bà vì đó thuộc lãnh vực ngữ học và thân tộc học. Nhiệm vụ của tính danh học là: (a) tìm hiểu những tục lệ khi xưng hô tên, (b) cách phối hợp giữa tên người với tên chức vụ và nghề nghiệp. Người Việt Nam đã áp dụng những tục lệ sau đây khi xưng hô tên.

1. Tục Lệ Dùng Tên Đơn: Người Việt có sự mâu thuẫn rõ ràng trong việc thích đặt tên kép, nhưng lại gọi nhau bằng tên đơn. Thí dụ gia đình có anh Nguyễn Hưng Thịnh, Nguyễn Hưng Phú và Nguyễn Thị Thu Thảo. Ba người ấy có tên kép nhưng gia đình chỉ gọi anh Thịnh, anh Phú, chị Thảo. Sự mâu thuẫn này đã làm nhà văn Nguyễn Tuân khó chịu, khi ông viết: Các con gọi tên con cái nên gọi cho đúng. Tên cháu là Tố Tâm thì phải gọi đúng như thế. Sao lại ăn bớt đi một chữ? Không thể bảo như thế là tiện, là dễ gọi được. Con nên bảo vợ con, không người ngoài người ta cười đến ông con mình, đến cả nhà mình.

Ngày nay, người ta đã có thói quen gọi một người bằng tên kép, nhưng mới chỉ áp dụng cho nữ giới, như gọi cô Thu Hà, cô Ngọc Dung. Trái lại, người ta còn ngượng ngùng khi phải gọi anh Hùng Dũng, anh Bình Định, ông Trung Nghĩa.

2. Tục Lệ Dùng Tên Họ: Thông thường, người Việt dùng tên chính hoặc toàn bộ tên để xưng hô, nhưng đôi khi chỉ dùng tên họ. Tập tục này thường thấy giới trí thức áp dụng. Các nhà nho xưa bắt chước giới trí thức Tàu, gọi nhau bằng tên họ để biểu lộ lòng tôn kính, qua các kiểu xưng hô như: Trần đại nhân, Lê tiên sinh, Ngô nhân huynh, Đỗ quý hữu, Vũ tôn ông, Lê quý công. Học giả Phạm Quỳnh đã dùng nhóm từ Trần đại nhân để gọi sử giả Trần Trọng Kim.

Ngoài ra, khi so sánh hai nhân vật Việt và Tầu, sử gia, thi sĩ Việt Nam ngày xưa thường chỉ nhắc đến tên họ của nhân vật Tầu, buộc người đọc phải biết đó là ai. Lối so sánh này phổ thông trong giới trí thức xưa nhằm chứng tỏ khả năng uyên bác qua việc thông thuộc điển cố, kinh sử Tàu. Ta có thể trích dẫn lời của vua Lê Thánh Tông nói về công thần Nguyễn Xí để chứng minh cho nhận xét này:

Ngày xưa trẫm làm phiên vương, nhởn nhơ chốn cửa son, không có ý lên ngôi báu. Vì bọn khanh đồng lòng suy tôn, diệt bọn phản nghịch, đưa trẫm lên ngôi báu đến nay đã năm năm. Thú vui con hát, vũ nữ thì khanh không bằng họ Thạch họ Cao nhà Tống. Mà lo lắng đến héo ruột khô tim thì khanh hơn hẳn họ Phòng họ Ðỗ đời Ðường.

Trong thi ca cổ điển, các thi sĩ cũng dùng tên họ để gọi nhân vật Tàu. Xin trưng ví dụ trong bài Côn Sơn Ca của chiến lược gia Nguyễn Trãi (1380-1442):

Cơm rau nước lã an thân

Muôn chung nghìn tứ có cần quyền chi

Sao không xem: gian tà những kẻ xưa kia.

Trước thì họ Ðổng , sau thì họ Nguyên

Ðổng thì mấy vực kim tiền

Nguyên hồ tiêu mấy chứa mấy nghìn muôn cân.

Ngày nay, các người Việt Nam làm truyền thông cũng bắt chước tây phương gọi các nhà lãnh đạo quốc gia bằng tên họ. Ví dụ Chủ tịch họ Giang, tức ông Giang Trạch Dân. Thủ tướng họ Chu, tức ông Chu Dung Cơ. Chủ Tịch họ Hồ tức ông Hồ Chí Minh.

3. Tục Lệ Dùng Tên Hiệu: Nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng trong xã hội được dân chúng gọi bằng tên hiệu. Các sinh viên đại học Văn Khoa Sàigòn thường gọi giáo sư Thanh Lãng, mà không gọi linh mục Đinh Xuân Nguyên. Còn nói tới tiểu thuyết miền Nam, người ta thường nhắc tới tác giả Hồ Biểu Chánh, mà không nhắc tới Hồ Văn Trung là tên thật của ông. Tác giả sách Nguồn Gốc Mã Lai Của Dân Tộc Việt Nam là Bình Nguyên Lộc, mãi đến khi ông mất vào năm 1993, dân chúng mới biết tên ông là Tô Văn Tuấn. Quần chúng quá quen thuộc với các tên như Khái Hưng, Thái Thanh, Lệ Thu, Khánh Ly nhưng mấy ai biết tên thật những vị này là gì? Đối với các người trong ngành thương mại, người ta cũng dùng thương hiệu để gọi thay tên chính. Ví dụ ông bà Nghĩa Lợi.

4. Tục Lệ Dùng Tên Tước: Người Việt rất trọng chức tước nên ngày xưa có tục mua tước vị triều đình. Khi một người có tước vị, dân làng sẽ gọi tên người ấy kèm theo tên tước. Ví dụ Trần Quốc Tuấn có tước Hưng Đạo Vương nên dân chúng gọi là Trần Hưng Đạo. Cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm đỗ Trạng Nguyên và có tước Trình Quốc Công nên được gọi là Trạng Trình. Tại làng chúng tôi, vào những năm 1930, 1940, có nhiều cụ bỏ ra một số tiền mua tước hàng cửu phẩm là tước vị thấp nhất của triều đình nhà Nguyễn. Dân làng Phát Diệm ngày nay vẫn còn nhắc nhở đến các cụ Cửu Diễm, Cửu Tầm, Cửu Uy, Cửu Quắc. Người Việt có tâm lý trọng tước vị vì trong sinh hoạt làng xã, người có tước vị được ngồi ở vị trí cao, được có tiếng nói khi hội họp, và được miễn sưu dịch.

5. Tục Lệ Dùng Tên Tự: Để kính trọng cũng như kiêng húy tên chính của các bậc thánh hiền, Người Việt cũng như người Trung Quốc có tục lệ dùng tên tự để gọi. Ta thường gọi thầy Mẫn Tử Khiên, thầy Tử Cống. Thầy Mẫn Tử Khiên có tên chính là Mẫn Tổn, tên tự là Tử Khiên. Thầy Tử Cống có tên chính là Đoàn Mộc Tứ, tên tự là Tử Cống.

6. Tục Lệ Dùng Số Thứ Tự: Trong các gia đình miền Nam Việt Nam, cha mẹ, anh em không gọi nhau bằng tên chính mà bằng con số thứ tự: Hai, Ba, Tư, Năm, Sáu. Điều đáng chú ý là không dùng chữ Cả, Nhất, Một. Tránh chữ Cả vì kỵ húy chức Hương Cả là chức cao nhất trong làng xã miền Nam khi xưa. Tránh chữ Một, Nhất vì hai từ này gợi lên ý nghĩa một con. Điều này trái với ước vọng của các gia đình xưa là muốn có con đàn cháu đống. Như vậy, tiếng Hai chỉ người con thứ nhất, tiếng Ba chỉ người con thứ hai, và tiếng Út để chỉ người con cuối cùng.

7. Tục Lệ Dùng Tiếng Mơ Hồ: Ta phân biệt hai trường hợp: (a) dùng tiếng mơ hồ trong gia đình, (b) dùng tiếng mơ hồ ngoài xã hội.

a. Trong gia đình: Ngày xưa, khi nền luân lý Khổng Mạnh còn nhiều ảnh hưởng, khi quan niệm về tình yêu nam nữ còn khắt khe, thì ngay cả vợ chồng cũng phải kín đáo trong vấn đề xưng hô. Họ không được dùng tên và những từ ngữ thân mật như anh, em. Gọi vậy, hàng xóm cho là suồng sã, không đứng đắn. Có chăng vợ chồng chỉ được nghe các tiếng rất mơ hồ như mình, đàng ấy, thầy mày, mẹ nó v.v… Điều lý thú là lời đối thoại sau đây, ai nghe cũng hiểu là vợ chồng gọi nhau: Mình ơi! Về ăn cơm. Mình ăn trước đi, đây đang giở tay một tí. Ngày nay, cách xưng hô này vẫn còn thấy trong các gia đình ở nông thôn, nơi ảnh hưởng văn minh tây phương chưa sâu đậm lắm, hoặc trong các gia đình còn thấm nhuần tinh thần lễ giáo Khổng Mạnh.

b. Ngoài xã hội: Trong một tập thể, nếu cần trưng ra một tên nào đó để làm thí dụ, người nói sợ trùng với tên người đang hiện diện, nên đặt một tên mơ hồ. Thời xưa tiếng thường dùng là Mỗ. Mỗ là tiếng Hán Việt, là đại danh từ, có nghĩa là không chỉ cái gì. Sau này, thay vì tên mỗ, người ta đặt các tên Mít, Xoài, Ổi, Cột, Kèo và gần đây dùng các mẫu tự A, B, C. Như chúng tôi đã nói, bất cứ tiếng nào cũng có thể là tên người Việt Nam, tuy nhiên, những tiếng trên đây mặc nhiên không ám chỉ ai.

8. Tục Lệ Kỵ Húy: Ta phân biệt trường hợp kỵ húy trong gia đình và ngoài xã hội.

a. Trong gia đình: Con cái, cháu chắt sẽ phạm tội bất kính, nếu cứ lấy tên ông bà, cha mẹ hay các bậc trưởng thượng ra mà nói, nhất là các vị ấy đang hiện diện ở đó. Trong dân gian, nếu tên con rể trùng với tên ông bà cha mẹ vợ thì khi xưng hô, tên con rể phải đổi sang hình thức khác, nhưng trong giấy tờ vẫn giữ nguyên như cũ. Gặp trường hợp không tránh được tên húy, người ta lấy chữ đồng nghĩa để thay thế. Ví dụ Hương/Nhang, Hoa/Bông, hay dùng nguyên tắc nói trại: Long/Luông, Lị/Lợi, Mạng/Mệnh. Trong làng chúng tôi, vì kỵ húy tên bố mẹ là Canh, nên con cháu không bao giờ nói nấu canh, ăn canh, mà nói nấu riêu, ăn riêu.

b. Ngoài xã hội: Ngày nay, tục lệ buộc dân chúng phải kiêng húy không còn nữa, nhưng dưới thời quân chủ, trong chốn triều đình, những chữ húy như tên vua, hoàng hậu, khi xưa viết bằng Hán tự, lúc đọc phải tránh âm, lúc viết phải đổi thành chữ khác. Vấn đề này đã được trình bày trong chương năm: Tục Lệ Kỵ Húy. Người ta cũng kỵ húy tên các thần thánh. Nếu buộc phải nói ra, họ áp dụng nguyên tắc như sau: Ví dụ muốn nói tên vị Thành Hoàng Ma La Cẩn ở đình xã Phú Nhuận, Tỉnh Gia Định, nay thuộc thành phố Hồ Chí Minh, trước hết dân làng phải tỏ vẻ cung kính, sau đó hạ thấp giọng rồi nói thật nhỏ: Tên ngài họ Ma, đệm chữ La, húy là Cẩn.

Các tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo cũng kỵ húy tên Đức Phật Thầy Tây An, vị sáng lập tông phái Phật Giáo Bửu Sơn Kỳ Hương. Ngài có tên là Đoàn Văn Huyên. Các tín đồ nói tên ngài như sau: Trước hết hạ thấp giọng, sau đó nói tên ngài là Ngôn trước, Tuyên sau, ráp lại thành chữ Huyên trong Hán tự.

9. Áp Dụng Tinh Thần Khiêm Tốn: Tâm lý người Việt rất khiêm tốn, tránh nói đến cái tôi. Giới trí thức chịu ảnh hưởng văn hóa Pháp thường hay nại câu tục ngữ: Le moi est haissable, nghĩa là cái tôi là cái đáng ghét để bào chữa cho việc mỗi khi cần nói đến cái tôi. Vua mà nói về mình thì xưng là cô, quả, quả nhân, bỉ nhân. Kẻ sĩ nói về vợ mình xưng là tiện nội, nói về nhà mình xưng là tệ xá, còn nói về chính mình thì xưng là tiểu sinh, hậu sinh, kẻ hèn. Nhà sư nói về mình xưng là bần tăng. Ngày nay, giới trí thức Việt Nam hay dùng chữ “chúng tôi” để biểu lộ tinh thần khiêm tốn. Tâm lý khiêm tốn trong cách xưng hô của người Việt có lẽ bắt nguồn từ lối xử sự của các vua chúa Trung Quốc thời xưa. Học giả Giản Chi và Nguyễn Hiến Lê khi viết về lối xử sự của các nhà lãnh đạo thời Chiến Quốc, đã mượn lời của Lão Tử giải thích lối xưng hô này:

Lão Tử nói tuy sang mà phải lấy hèn làm gốc. Tuy cao mà phải lấy thấp làm nền, vì vậy bậc vương hầu mà tự xưng là Cô, Quả, Bất Cốc là lấy sự ti tiện làm gốc đấy. Kẻ cô, quả là kẻ ti tiện, khốn khổ, ở địa vị thấp mà bậc vương hầu tự xưng như vậy há chẳng phải tự hạ mình mà tôn quý kẻ sĩ đấy ư.

Ngày nay, các văn thi sĩ, các xướng ngôn viên lớn tuổi trong ngành truyền thông vẫn dùng lối xưng hô “chúng tôi” để biểu lộ tinh thần khiêm tốn. Nhưng, giới ca sĩ trẻ không áp dụng nguyên tắc này, cứ tự nhiên xưng tên hay tên hiệu của mình với khán thính giả. Khuynh hướng này xuất hiện vào khoảng đầu thập niên 1960 và đang trở thành lối xưng hô chính thức nơi công cộng.

10. Áp Dụng Nguyên Tắc Thế Xưng: Trong thân tộc học, nguyên tắc thế xưng là nguyên tắc dùng danh xưng của thế hệ này để gọi thế hệ khác. Ví dụ tiếng cậu để chỉ người em trai mẹ, nhưng người mẹ cũng gọi em trai mình là cậu. Gọi thế là gọi thay cho con. Người Việt Nam không những áp dụng nguyên tắc thế xưng trong các danh từ thân tộc, mà còn áp dụng trong việc gọi tên chính. Người ta áp dụng nguyên tắc thế xưng trong các trường hợp sau:

a. Dùng tên con trưởng: Dân chúng ngày xưa sẽ gọi tên một cặp vợ chồng nào đó bằng tên đứa con đầu lòng. Linh mục Léopold Cadière, trong bài viết về Nguồn Sơn, Quảng Trị, nêu ra một ví dụ cụ thể : Cha tên là Nông, có con đầu lòng đặt tên là Liệu. Dân làng sẽ gọi là anh chị Liệu. Người Công Giáo Việt Nam có bà thánh Đê, nhũ danh Lê Thị Thành. Bà có chồng tên là Nguyễn Văn Nhất. Ông bà Nhất sinh được 2 trai 4 gái, và con đầu lòng được đặt là Đê nên dân chúng Phát Diệm, Ninh Bình gọi ông bà Đê. Ngày nay, bà Lê Thị Thành đã là thánh nhân, nhưng người Công Giáo Việt Nam vẫn gọi bà thánh Đê. Các đôi vợ chồng lớn tuổi không dùng tên, hay các từ anh, em để gọi nhau mà dùng tên con trưởng hay con út. Ví dụ vợ chồng có con đầu lòng tên là Phong, chồng sẽ gọi vợ: “Má thằng Phong” và vợ sẽ gọi chồng: “Bố thằng Phong.”Kiểu xưng hô này được các cụ đánh giá là đứng đắn.

b. Dùng tên con út: Khi vợ chồng có một người tạ thế, dân chúng sẽ lấy tên đứa con út hay đứa con chưa lập gia đình để gọi ông hay bà đó.

c. Dùng tên con nuôi: Nếu vợ chồng không có con, nhận con nuôi, dân chúng sẽ gọi tên vợ chồng đó bằng tên con nuôi.

Ba trường hợp trên nói lên ý hướng dân chúng muốn thừa nhận một đôi vợ chồng đã có con, có người nối dõi tông đường.

11. Tục Lệ Đặt Thêm Từ Ngữ Vào Tên: Nghiên cứu cách xưng hô của người Việt, ta thấy dân gian có tục thêm một hay hai từ ngữ vào sau tên để dễ nhận diện hay để mô tả hoàn cảnh một người:

a. Đặt thêm từ ngữ để dễ nhận diện: Trong một cộng đồng, khi nhiều cá nhân có tên giống nhau, người ta áp dụng nguyên tắc thêm từ ngữ để phân biệt. Tại tây phương, khi hệ thống tên họ chưa xuất hiện, người ta thường phân biệt nhau bằng cách thêm từ ngữ vào sau tên chính. Ví dụ Jones Smith tức ông Jones thợ rèn. Về sau, từ Smith trở thành tên họ. Tại miền Nam Việt Nam, dân gian có thói quen dùng con số thứ tự Hai, Ba, Tư để gọi nhau. Tập tục này dễ đưa tới sự lẫn lộn nên người ta thêm từ ngữ để nhận diện. Lối thêm từ ngữ có thể xếp thành các nhóm sau đây:-

-Thêm địa danh: Bà Năm Sa Đéc, Thầy Ba Cầu Bông, Dzũng Đakao, Quyên Tân Định.

-Thêm tên nghề nghiệp: Tư thợ điện, Năm thầy thuốc, Sáu xích lô v.v…

-Thêm nét đặc biệt: Ba Cụt, Năm Lửa, Sáu răng vàng, Tư sún, Năm lùn.

-Thêm tài năng: Bảy đờn cò.

-Thêm tên chính: Bảy Viễn, Sáu Đảm, Tư Chơi, Bảy Trọng, Năm Châu.

b. Thêm từ ngữ để mô tả hoàn cảnh: Linh Mục Léopold Cadière nghiên cứu về cách xưng hô của người ở vùng Nguồn Sơn, Quảng Trị cho biết, người ta thêm các từ ngữ Mới, Đỏ, Mẹt, Xấu, Đôi vào tên một người để mô tả hoàn cảnh gia đình. Anh Khuyến vừa lập gia đình, dân làng Nguồn Sơn sẽ gọi là anh Mới Khuyến, chị Mới Khuyến. Đến khi anh chị Khuyến có con đầu lòng, dân làng lại gọi là anh Đỏ Khuyến, chị Đỏ Khuyến. Nếu anh chị Khuyến đẻ con gái đầu lòng, dân làng sẽ gọi là anh Mẹt Khuyến, chị Mẹt Khuyến. Theo linh mục Cadière, từ Mẹt nguyên nghĩa chỉ cái mẹt, cái nia, cái giần, nói chung là dụng cụ xay lúa giã gạo. Công việc này thường do đàn bà làm do đó từ ngữ Mẹt được dân chúng hiểu là đàn bà. Ngày nay, dân gian vẫn còn dùng từ ngữ Mẹt để chỉ đàn bà. Trường hợp sau một thời gian đôi ba năm mà anh chị Mới Khuyến không có con, dân làng sẽ gọi là anh Đôi Khuyến, chị Đôi Khuyến. Nhưng nếu anh chị Mẹt Khuyến hay Đỏ Khuyến chẳng may có con bị chết, hoặc vợ chồng có người chết trước, dân làng sẽ gọi là anh Xấu Khuyến hay chị Xấu Khuyến.

Trong chế độ đa thê, bà vợ chính được gọi là bà cả, các bà thứ được gọi là trẻ một, trẻ hai, trẻ ba. Bà vợ thứ ba của nhà cách mạng Nguyễn Văn Thịnh, biệt hiệu Cai Tổng Vàng, được dân chúng gọi cô Ba Vàng.
TIẾT B: CÁCH XƯNG HÔ TÊN PHỤ NỮ CÓ CHỒNG, CHỨC VỤ, NGHỀ NGHIỆP.

1. Cách Xưng Hô Tên Phụ Nữ Có Chồng: Luật pháp và tục lệ Việt Nam cho phép người phụ nữ khi lấy chồng được giữ nguyên vẹn tên của mình. Tuy nhiên, khi xưng hô, lại dùng tên chồng hay chức vị của chồng. Ví dụ bà Ngô Đình Nhu, bà Huyện Thanh Quan. Ngày nay, nhiều người phụ nữ có chồng hay chưa chồng đều được người khác gọi bằng chính tên của người đó. Ví dụ bà Phan Thúy Thanh, Bác sĩ Nguyễn Thị Ánh Ngọc. Nhưng, đối với các văn nghệ sĩ, dân chúng sẽ không dùng tên chồng mà dùng nghệ danh hay bút hiệu để gọi người ấy. Ví dụ bà Thái Thanh, Khánh Ly, Lệ Thu, Minh Đức Hoài Trinh, Dương Thu Hương.

2. Cách Xưng Hô Tên Chức Vụ: Mục đích của đoạn này không nhằm trình bày cách xưng hô chức vụ mà tìm hiểu xem người Việt phối hợp thế nào giữa tên và chức vụ. Người Việt áp dụng ba kiểu cách sau đây: (a) tên chức vụ đặt trước tên họ, (b) tên chức vụ đặt sau tên họ, (c) tên chức vụ đặt trước tên chính.

a. Tên chức vụ đặt trước tên họ: Định luật tổng quát của mọi quốc gia là tên chức vụ đặt trước tên họ. Ví dụ Vua Trần Thái Tông, Tổng Thống Ngô Đình Diệm, Chủ Tịch Hồ Chí Minh, Đại Lão Hòa Thượng Thích Tịnh Khiết, Đức Hồng Y Phạm Minh Mẫn. Trong việc giao tế, nếu không để chức vụ đi kèm tên, sẽ bị phê phán là chưa biết nghi thức ngoại giao, có ý khinh miệt, và dân gian gọi là xưng hô xách mé. Chính quyền Cộng Sản Miền Bắc Việt Nam, khi nói đến các viên chức chính quyền miền Nam, luôn dùng một kiểu xưng hô không hề nhắc tên chức vụ. Ví dụ“thằng Nguyễn Văn Thiệu, thằng Ngô Đình Diệm.”

Tuy nhiên, có những trường hợp tên chức vụ đặt sau tên họ. Ví dụ Ngô Tổng Thống, Hồ Chủ Tịch, Đức Huỳnh Giáo Chủ. Vấn đề tại sao người ta không nói Nguyễn Tổng Thống cho ông Nguyễn Văn Thiệu hay Trần Chủ Tịch cho ông Trần Đức Lương, hay Nông Chủ Tịch cho ông Nông Ðức Mạnh? Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy cho là vì dân chúng ít tôn trọng các ông này hơn.

b. Tên chức vụ đặt sau tên họ: Trong các giấy tờ hành chánh, nguyên tắc phổ quát là để tên chức vụ sau tên chính. Ví dụ Giáo sư Nguyễn Khắc Hoạch, Khoa Trưởng Đại Học Văn Khoa.

c. Tên chức vụ đặt trước tên chính: Dưới thời quân chủ, người dân hay gọi tắt một người bằng tên và chức vụ. Ví dụ ông Nguyễn Văn Cấn và Nguyễn Văn Cung là đội trưởng lính khố xanh nên gọi là ông Đội Cấn, Đội Cung. Cụ Nguyễn Thượng Hiền (1868-1926) giữ chức đốc học Nam Định nên được gọi ông Đốc Nam. Dân làng Phát Diệm vẫn thường gọi các ông Cai Mạnh, ông Trùm Thảo, bà Quản Tài.

3. Cách Xưng Hô Tên Nghề Nghiệp: Trong việc giao tiếp, người Việt có thói quen thêm tên nghề nghiệp trước tên chính. Ta cần phân biệt hai trường hợp:

a. Với nghề nghiệp cần học vấn cao: Những nghề cần học vấn cao như bác sĩ, luật sư, kỹ sư, giáo sư, linh mục, khi giao tế, thường được người Việt gọi cả tên nghề nghiệp lẫn tên chính. Ví dụ Bác sĩ Trần Ngọc Ninh, Luật sư Nguyễn Văn Huyền, Giáo sư Nguyễn Thanh Giang.

b. Với nghề nghiệp không cần học vấn cao nhưng cần khả năng chuyên môn như thợ mộc, thợ rèn, thợ may, thợ nề, dân gian dùng từ Phó để thêm vào tên chính. Ví dụ ông Phó Trinh, Phó Đức, bà Phó Vượng. Với những người y tá hay thơ ký văn phòng, dân gian dùng từ Ký hay Thơ. Ví dụ ông Thơ Thuyết, ông Ký Thạnh, bà Thơ Hoan.

Vấn đề được đặt ra là tại sao khi giao tế, người Việt luôn dùng tước vị, bằng cấp, nghề nghiệp kèm theo tên chính. Có thể là vì tâm lý người Việt trọng tước vị như đã trình bày trong chương một, đoạn nói về tên tước.

MỤC II: BIỆT HIỆU

Trong mục này, ta sẽ tìm hiểu ý nghĩa của biệt hiệu trong ngành tính danh học, sau đó, tìm hiểu những loại biệt hiệu mà dân gian thường dùng trong việc xưng hô. Tại nước nào biệt hiệu cũng rất phong phú nên biệt hiệu là đề tài nghiên cứu rất lý thú cho các sinh viên ngành ngữ học và dân tộc học.

TIẾT A. BIỆT HIỆU TRONG TÍNH DANH HỌC

1. Vấn Đề Danh Từ: Trong ngành tính danh học, ngoài những danh xưng như tên họ, tên đệm, tên chính, còn một loại tên để xưng hô mà các nhà tính danh học Anh Mỹ gọi là Nickname, Pháp gọi là Sobriquet, và tiếng Latin gọi là Agnomen. Ðối với Việt ngữ, Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy dùng từ Xước hiệu. Tra Hán Việt Từ Ðiển của ban Tu Thư Nghĩa Thục, thì Xước hiệu đồng nghĩa với biệt hiệu hay tên riêng. Đại Từ Ðiển Tiếng Việt định nghĩa: Biệt hiệu là tên gọi thêm, ngoài tên thường gọi dựa theo những đặc điểm về ngoại hình hay tính cách. Còn từ điển Anh Việt của Viện Ngôn Ngữ học Việt Nam giải thích Nickname là tên hiệu, tên riêng, tên nhạo, tên giễu. Ngoài dân gian, chúng tôi còn thấy có danh từ tên lóng.

Biệt hiệu hay tên lóng là một hiện tượng xã hội phổ quát ở bất cứ nơi đâu, dù còn sơ khai hay văn minh tiến bộ. Tên lóng rất phổ biến ở Hy Lạp và La Mã thời xưa. Một trong những đại đế La Mã là Gaius Caesar Augustus Germanicus (12-41) có biệt hiệu là Caligula, nghĩa là chiếc giầy nhỏ, do binh sĩ đặt vì vua có đôi chân bé. Triết gia Plato (428-348 TCN) của Hy Lạp mà giới trí thức đều biết, có tên thật là Aristocles. Tên Plato mà ta dùng ngày nay là biệt hiệu do huấn luyện viên đô vật đặt cho Aristocles vì ông này có đôi vai rộng. Chữ Plato trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là vai rộng.

Theo các nhà tính danh học, thời sơ khai, dân số còn ít, con người chưa có tên, chỉ có biệt hiệu để phân biệt. Sau giai đoạn biệt hiệu đến giai đoạn con người có tên riêng. Nhưng, khi dân số gia tăng, tên riêng không đáp ứng được nhu cầu phân biệt, thì con người sáng chế ra tên họ. Sau khi có tên họ, cũng vì nhu cầu phân biệt nên sinh ra tên đệm. Tuy đã có hệ thống tinh vi, nhưng biệt hiệu vẫn tồn tại. Vậy biệt hiệu được hiểu thế nào trong tính danh học?

2. Định Nghĩa Biệt Hiệu: Trong khi chờ đợi các nhà Ngữ học Việt Nam xác định từ ngữ chỉ loại tên này, chúng tôi tạm dùng danh từ biệt hiệu hay tên lóng với ý nghĩa được ngành tính danh học xác định dưới đây:

"Biệt hiệu là tên mà người khác đặt thêm vào tên chánh hoặc thay thế cho tên chánh của một người, một vật, hay một nơi chốn để bày tỏ tình cảm yêu thương kính trọng, hoặc chế diễu đùa cợt, hay để phân biệt những cá nhân trong cộng đồng".

Ví dụ biệt hiệu của chó: nai đồng quê, mộc tồn, cây còn. Biệt hiệu nơi chốn: Sàigòn: Hòn Ngọc Viễn Ðông, Paris: Kinh Ðô Ánh Sáng. Biệt hiệu của ông Phùng Khắc Khoan: Trạng Bùng, Ông Hoàng Hoa Thám: Hùm Xám Yên Thế.

Khi nghiên cứu biệt hiệu của mỗi xã hội, nhiệm vụ các nhà tính danh học không nhằm trình bày việc phải đặt biệt hiệu thế nào, mà chú ý xem dân gian trong xã hội đó đã căn cứ vào tiêu chuẩn nào để đặt biệt hiệu. Còn biệt hiệu có độc đáo, dí dỏm, châm biếm hay không là tùy đầu óc sáng tạo của người đặt tên. Và việc xác định thế nào là một biệt hiệu độc đáo, là công việc của các nhà Ngữ học.

3. Phân Loại Biệt Hiệu: Nếu dựa trên tiêu chuẩn mục đích, ta có hai loại biệt hiệu: (a) biệt hiệu để tỏ lòng ngưỡng mộ, (b) biệt hiệu để chế diễu đùa cợt. Phân loại trên chỉ có giá trị tương đối vì biệt hiệu loại nào cũng tiềm ẩn ý nghĩa hài hước.
TIẾT B. CÁCH ÐẶT BIỆT HIỆU CỦA NGƯỜI VIỆT NAM ĐỂ TỎ LÒNG NGƯỠNG MỘ

Theo dõi lịch sử, người Việt có bốn tiêu chuẩn để đặt biệt hiệu tỏ lòng ngưỡng mộ: (1) dùng học vị, (2) dùng địa danh, (3) dùng khả năng chuyên môn, (4) biệt hiệu do cha mẹ đặt cho con cái.

1. Dùng Học Vị Để Ðặt Biệt Hiệu: Ta phân hai trường hợp: (a) Học vị phối hợp với sinh quán, (b) Học vị phối hợp với tên chính.

a. Học vị phối hợp với sinh quán làm thành biệt hiệu tỏ lòng ngưỡng mộ: Ta có thể kể các ví dụ ông Nguyễn Giản Thanh đỗ Trạng Nguyên năm 1508, quê ở làng Ông Mặc, tục gọi làng Me nên dân chúng gọi ông là Trạng Me. Kế cận làng Me là làng Vọng Nguyệt, tục gọi làng Ngọt, có ông Hứa Tam Tĩnh cũng đỗ Trạng Nguyên nên dân chúng gọi ông là Trạng Ngọt. Vì hai làng ganh đua nên ngôn ngữ Việt mới có thành ngữ Trạng Me đè Trạng Ngọt. Cụ Nguyễn Khuyến (1835-1910) đỗ đầu ba kỳ thi Hương, Hội, Ðình và sinh quán ở làng Yên Đổ nên dân chúng gọi ông bằng biệt hiệu Tam Nguyên Yên Đổ. Ông Nguyễn Quý Tân (1814-1858) đỗ Tiến Sĩ, gốc ở làng Thường Lộc, được gọi là ông Nghè Thường Lộc. Cụ Dương Khuê (1839-1902) đỗ Tiến Sĩ triều Tự Đức, quê ở làng Vân Đình, được gọi là ông Nghè Vân Đình. Ông Phùng Khắc Khoan quê làng Phùng Xá, tục gọi làng Bùng nên gọi Trạng Bùng. Ông Đặng Công Chất ở làng Gióng nên gọi Trạng Gióng. Ông Lê Quát, đỗ Tiến Sĩ đời Trần, lúc bé làm nghề quét chợ nên gọi Trạng Quét. Nhân vật Tống Trân trong truyện Tống Trân Cúc Hoa, có quê ở làng An Cầu, huyện Phù Cừ, Hưng Yên, tên Nôm là làng Gầu nên gọi Trạng Gầu. Nhà cách mạng Nguyễn Hải Thần đỗ Tú Tài, quê ở làng Đại Từ nên được gọi là ông Tú Đại Từ.

b. Học vị phối hợp với tên chính làm thành biệt hiệu tỏ lòng ngưỡng mộ: Ta có thể đưa ra các bằng chứng: ông Nguyễn Hữu Chỉnh (?-1787) đỗ Hương Cống nên được dân chúng gọi là Cống Chỉnh. Ông Nguyễn Quỳnh, sống thời hậu Lê, đỗ Cống Sinh nên được gọi là Cống Quỳnh. Ông Nguyễn Hữu Huân (1841-1875), Nguyễn Hữu Nghĩa đỗ đầu kỳ thì Hương nên được gọi là Thủ Khoa Huân, Thủ Khoa Nghĩa. Thi sĩ Trần Tế Xương ( 1870-1907) đỗ Tú Tài nên được gọi là Tú Xương. Tại làng Phát Diệm, vào thập niên 1960, tôi vẫn nghe thân phụ nhắc tới các cụ Tú Chiểu, Tú Mẫn là các người đậu Tú Tài thời Pháp thuộc.

Ngày nay, người ta không dùng học vị để đặt biệt hiệu vì cấp bằng không còn họa hiếm như ngày xưa nữa. Nguyên nhân dùng tiêu chuẩn học vị để đặt biệt hiệu là vì ngày xưa họa hiếm mới có người đậu Tú Tài, Cử Nhân, Tiến Sĩ. Do đó, đạt được học vị cao không những là điều hãnh diện cho cá nhân, gia tộc, mà còn cho cả làng, cả tổng. Từ đó, sinh ra tâm lý trọng bằng cấp, và lấy học vị làm tiêu chuẩn đặt biệt hiệu.

2. Dùng Địa Danh Để Đặt Biệt Hiệu: Ta có thể kể các ví dụ ông Vũ Đức Huyên, một danh sư về phong thủy, sống đời vua Lê, Chúa Trịnh, được gọi là Thánh Địa Lý Tả Ao vì ông sinh ở làng Tả Ao, Nghệ An. Ông Nguyễn Thiếp (1723-1804) danh sĩ triều Tây Sơn được gọi là La Sơn Phu Tử vì quê ông ở huyện La Sơn, còn Phu Tử là tiếng xưng hô giữa thầy trò ngày xưa. Lý Ông Trọng, người Việt Nam làm tướng ở Trung Quốc đời nhà Tần, được dân chúng lập miếu thờ, và được gọi là Đức Thánh Chèm vì tương truyền quê ông ở làng Chèm, huyện Từ Liêm, Hà Nội.

Tại sao người Việt lại dùng địa danh để làm biệt hiệu? Có lẽ vì tâm lý muốn làng nổi tiếng nên thêm địa danh vào tên một nhân vật có tiếng tăm để mọi người biết tên làng.

3. Dùng Đặc Điểm Tính Tình, Tài Năng Ðể Ðặt Biệt Hiệu: Với những nhân vật lịch sử, ta có thể kể các thí dụ:

a. Về tính tình: Ông Nguyễn Hữu Cảnh (1650-1700), danh tướng đời Nguyễn Phúc Chu, được người đương thời gọi là Hắc Hổ vì tinh thần dũng cảm của ông. Ông Đề Thám, tức Hoàng Hoa Thám, hùng cứ vùng rừng núi Yên Thế, chống Pháp rất dữ dội nên dân chúng đặt cho ông là Hùm Xám Yên Thế. Ông Đoàn Minh Huyên (1807-1850), vị sáng lập tông phái Phật Giáo Bửu Sơn Kỳ Hương, chữa bệnh cho nhiều người nên dân chúng tôn xưng biệt hiệu là Đức Phật Thầy Tây An. Gần đây nhất, ông Ngô Đình Cẩn, bào đệ của Tổng Thống Ngô Đình Diệm, thích ăn trầu nên dân gian vùng Huế gọi ông là Cố Trầu.

b. Về tài năng: Dân gian cũng dùng tài năng một người để đặt biệt hiệu. Xin trưng ra các ví dụ: ông Vũ Huyên giỏi cờ nên dân chúng đặt cho là Trạng Cờ. Ông Vũ Phong giỏi vật được đặt là Trạng Vật. Nhà cách mạng Đoàn Trần Nghiệp (1910-1930) được gọi là Ký Con vì làm thư ký cho một hãng buôn lúc còn trẻ. Nhà cách mạng Nguyễn Văn Cầm (1877 ?) được gọi là Kỳ Đồng vì lúc nhỏ học rất thông minh, được Pháp cho đi du học, nhưng khi về nước đã giúp Đề Thám chống lại Pháp ở Yên Thế.

4. Biệt Hiệu Do Cha Mẹ Đặt Cho Con Cái: Các gia đình Việt Nam cũng như Âu Mỹ, ngoài tên chính thức, cha mẹ còn đặt thêm các tên để tỏ lòng yêu thương, vui mừng. Loại tên này được đặt cho đứa bé trong khoảng từ sơ sinh đến 3, 4 tuổi. Nếu các cha mẹ Việt hay gọi con là Cục Cưng, Cu Tí, Gái cưng, Thằng Chó, Chó Con v.v… thì cha mẹ ở Anh, Mỹ cũng gọi con bằng các tên như Junior: Bé Tí, Sonny: Cu Tí, Sweetheart: Cục cưng.

TIẾT C: CÁCH ÐẶT BIỆT HIỆU CỦA NGƯỜI VIỆT NAM ĐỂ CHẾ DIỄU ĐÙA CỢT

Đặt biệt hiệu để chế diễu đùa cợt là một hiện tượng xã hội phổ quát trên thế giới. Khi đặt loại tên này, người ta thường chọn những từ ngữ hài hước, châm biếm, mang ý nghĩa tiêu cực. Dân gian thường căn cứ vào ba tiêu chuẩn sau đây để đặt biệt hiệu diễu cợt: (a) về hình dạng thân xác, (b) về đức tính, (c) sửa đổi tên để châm biếm. Nơi xuất phát loại tên này là gia đình, bạn bè, băng đảng, và các cơ quan truyền thông xã hội.

1. Biệt Hiệu Châm Biếm Liên Quan Đến Hình Dạng Thân Xác : Biệt hiệu loại này thường khai thác khía cạnh khiếm khuyết nơi cơ thể. Các ví dụ sau đây là tên các nhân vật trong chuyện Dzũng Dakao của Duyên Anh: Tiến Gầy, Chương Còm, Tấn Mập, Hoa Rỗ, Ba Sứt Môi, Tư Trọc. Trong vụ án Năm Cam năm 2002 tại Việt Nam, người ta thấy tên các bị can: Lũng Ðầu Bò, Dũng Què. Ông Dương Văn Minh, vị Tổng Thống cuối cùng của miền Nam Việt Nam, bị báo chí Mỹ đặt là Big Minh, nghĩa là ông Minh Cồ để phân biệt với các tướng lãnh khác cùng tên như tướng Trần Văn Minh hay Hồ Chí Minh. Ông cũng bị báo chí Việt một thời gọi là Minh Sứt vì ông hơi bị sứt môi.

Trong gia đình, con em nào cũng bị anh chị em đặt cho một biệt hiệu. Xin liệt kê một số biệt hiệu thu thập được nơi đại gia đình chúng tôi và các gia đình thân quen:

- Người gầy, nhỏ, xanh xao: bị đặt tên là Lép, Còi, Bủng, Ròn, Còm, Xì Ke.

-Béo mập có các tên: Sề, Ù, Cồ, Bộp, Địa.

-Thân hình rắn chắc: Vọi.

-Dáng đi khập khiễng: Xi Cà Oe.

-Đầu to: Cồ.

-Trán : Vồ (giồ).

-Mắt có các tên Hí, Ốc, Lồi, Toét.

-Mũi: Toe, Tẹt, Phổng.

-Tai: Gị, Bẹp, Cối.

-Răng miệng: có các tên Móm, Hô, Khểnh.

-Cổ : Nọng.

-Tóc: Cọ, Hói.

Các từ ngữ trên đây có khi đứng một mình, thay thế cho tên chính, như gọi thằng Lép, con Còi, thằng Vọi, hoặc được ghép sau tên chính như: Dũng Lép, Bi Còi, An Cồ, Yến Ù, Long Sề, Trân Vọi, Vỹ Toe, Hải Móm, Tí Xấu.

2. Biệt Hiệu Châm Biếm Liên Quan Đến Đức Tính: Khi đặt biệt hiệu dựa trên tính tình để châm biếm, dân gian rất ít chọn tính tốt mà chỉ nhắm vào các tính xấu. Cổ sử ghi những trường hợp sau: ông Nguyễn Nghiêu Tư đỗ Trạng Nguyên đời vua Lê Nhân Tông (tr.v.1443-1459) được dân chúng gọi là Trạng Trư hay Trạng Lợn. Sách Đại Việt Sử Ký Toàn Thư ghi lại nguyên nhân như sau:

Nghiêu Tư từng thông dâm với mẹ vợ, bấy giờ có người ghi vào chuồng lợn là “Phường Trạng Nguyên” có người hát ở đường cái rằng: “Trạng Nguyên Trư-Nguyễn Nghiêu Tư” là chế diễu hành vi xấu xa đó.

Vua Lê Trung Tông (tr.v.1548-1556) húy là Lê Duy Huyên được dân chúng ngoài Bắc đặt biệt hiệu là Chúa Chổm vì trước khi được rước về làm vua, ông mắc nợ nhiều nên người miền Bắc có thành ngữ: Nợ Như Chúa Chổm. Ông Nguyễn Văn Tâm, chủ quận Cai Lậy miệt Hậu Giang, đàn áp những chiến sĩ chống Pháp một cách hung dữ nên dân chúng vùng này đặt cho là Cọp Cai Lậy.

Phương pháp đặt biệt hiệu loại này là thêm từ ngữ châm biếm vào tên chính. Ví dụ Tư Dê Xồm, Trung Thầy Chạy, Lan Ngựa. Một nhân vật trong tác phẩm Dzũng Đakao của Duyên Anh được đặt là Bồn Lừa vì chú bé có tật thích lừa khi đá bóng. Còn tên Châu Kool được Duyên Anh đặt là vì nhân vật này chỉ hút thuốc lá hiệu Kool. Sau đây, xin trưng ra một số tên châm biếm mà ta thường gặp trong các biệt hiệu:

a. Trong gia đình:

-Thích nghe truyện người khác: Hóng.

-Tham ăn tham uống: Chổi, Vét.

-Hay khóc cười: Ti,Toe, Nhè.

-Tính tình lằng nhằng: Lèng Èng.

-Tính không chú ý: Ngáo, Ngơ, Khờ. Dại.

-Tính tình cong cớn: Cong, Le Te.

-Tính tình chanh chua: Giấm.

-Hay nói nhiều: Lẻo.

- Hay đi lang thang: Ngựa.

b. Ngoài xã hội:

-Người hay chòng ghẹo gái : 35, Dê Xồm, Dê Cụ.

-Tính hay khoe khoang, Nổ, Pháo Cối.

-Xử sự không biết điều : Thầy Chạy.

-Tính du đãng: Đại Ca như Đại Ca Thay.

-Hay nói dối : Ba Xạo.

- Nam giới có tính hung dữ: Cọp.

-Nữ giới dữ tợn : Bà Chằng, Sư Tử Hà Đông, Cọp Cái.

-Tính keo kiệt : Trùm Sò.

-Nghiện thuốc phiện: Tiên Ông, Bẹp, Xì Ke.

-Chích bạch phiến : Choác.

-Lý sự gàn dở : Lý Toét, Phó Cối.

-Tính không cương quyết: Ba Phải.

-Tính lừa đảo : Ba Que Xỏ Lá.

-Tính nợ nần nhiều: Chúa Chổm.

-Ăn cắp: Chôm, Chỉa, Chà Đồ Nhôm (chôm đồ nhà).

3. Sửa Đổi Tên Ðể Làm Biệt Hiệu Châm Biếm: Một loại biệt hiệu thường thấy trên báo chí là tên người được sửa đổi để châm biếm. Với người Trung Quốc, phương pháp này rất giản dị và thích hợp vì Hán tự có nhiều chữ đồng âm nhưng dị nghĩa. Ví dụ để châm chọc ông Minh, người ta có thể dùng chữ Minh, nghĩa là tối như chữ u minh, thay cho chữ Minh, nghĩa là sáng. Người Tàu đã dùng cách này để hạ nhục ba vị nữ anh hùng Việt Nam.

Theo giáo sư nguyễn Ngọc Huy và tác giả Lãng Nhân, hai vị nữ anh hùng họ Trưng của chúng ta không phải tên là Trắc và Nhị như sách vở thường ghi, mà là Chắc và Nhì. Hai bà sống trong vùng trồng dâu nuôi tằm nên vùng đó gọi loại kén tốt là Chắc, kén nhỏ gọi là Nhì. Quan quân Tàu ghét hai bà nên sửa tên thành Trắc và Nhị để châm biếm. Trong tiếng Hán, Trắc và Nhị hàm ý xấu. Trắc là nghiêng lệch, không thẳng thắn như trắc nết, phản trắc. Còn Nhị là hai, hàm ý không trung thành, ăn ở hai lòng. Người ta cũng nói đến trường hợp bà Triệu. Tên bà không phải là Triệu Ẩu như sử sách ghi mà là Triệu Thị Trinh. Cũng giống trường hợp hai bà Trưng, quân Tàu đã đặt tên Ẩu để châm biếm vì từ Ẩu trong Hán tự có toàn nghĩa xấu như: nôn mửa, bà già goá, thượng thổ hạ tả, đánh lộn. Luận cứ này có thể đúng vì theo phong tục Trung Quốc, vua Tàu ghét ai có quyền đặt cho người đó một tên họ xấu như Mãng : con trăn, họ Phục: con rắn, họ Ác: ác độc. Vấn đề này đã được trình bày trong chương hai.

Tại tây phương, người ta cũng thấy có tục lệ này. Bác sĩ y khoa Robert Atkins, người Mỹ, đưa ra lý thuyết gây nhiều tranh cãi. Ông cho rằng dùng nhiều chất béo không nguy hại cho bệnh tim mạch. Ðến khi ông chết vì bệnh tim mạch, tuần báo Time số ra ngày 23 tháng 2 năm 2004 đã viết bài châm biếm với tựa đề Paging Dr. Fatkins?. Tên ông là Atkins nhưng ký giả Joel Stein sửa là Fatkins với ý nghĩa bác sĩ có da béo (Fat: béo; skin: da)

4. Biệt Hiệu Châm Biếm Dựa Trên Nghề Nghiệp: Người Việt Nam cũng dùng các từ châm biếm về nghề nghiệp để đặt biệt hiệu. Ví dụ anh Trung và Cường là hai học sinh ở xóm tôi bị bạn bè đặt là Trung Lái Lợn và Cường Phó Cạo vì nhà một em làm nghề nuôi heo, còn em kia bố làm nghề hớt tóc. Sau đây xin trưng một số từ châm biếm mà dân gian đã đặt cho một số nghề nghiệp:

-Bác sĩ, thầy lang : Lang Băm, Lang Tây, Lang Ta

-Luật sư : Thầy Cãi.

-Linh mục : Cố Đạo.

-Thượng tọa: Thầy Chùa.

-Ni cô : Bà Vãi.

-Nữ tu Công Giáo : Bà Mụ.

-Ký giả: Ký Giổm.

-Thợ chụp hình : Phó Nhòm.

-Ca sĩ : Ca Sỡi.

-Người Trung Quốc : Chệt.

-Người Ấn Độ: Bảy Chà.

-Người Mỹ : Mẽo.

Qua cách xưng hô của người Việt Nam, một câu hỏi đặt ra là cách xưng hô của ta so với các nước khác thế nào? Để trả lời câu hỏi này, ta hãy nghiên cứu cách xưng hô của người Mỹ.

CÁCH XƯNG HÔ TÊN NGƯỜI PHƯƠNG TÂY

Mục này sẽ trình bày ba vấn đề: (a) Các tục lệ xưng hô, (b) Cách xưng hô chức vụ, nghề nghiệp, và tên người phụ nữ có chồng, (c) Cách đặt biệt hiệu của người tây phương.

CÁC TỤC LỆ XƯNG HÔ CỦA NGƯỜI PHƯƠNG TÂY

1. Dùng Tên Họ: Ngoài xã hội, cách xưng hô chính thức của người phương Tây là dùng tên họ. Không ai gọi Tổng Thống Mỹ là Donald mà gọi là Tổng Thống Trump hay Donald Trump. Không ai gọi Tổng Thống Pháp là Emmanuel  mà gọi Tổng Thống tổng tMacron hay Emmanuel Macron. Ngoài ra, khi dùng tên họ để xưng hô, người tây phương luôn thêm chữ Mr. : Ông, Mrs.: Bà, Miss.: Cô vào trước tên họ. Ví dụ Mr. Mariant, Monsieur Guillier, Madame Pompidou, Miss. Wallace, Mademoiselle Chirac. Nếu không, bị coi là vô lễ. Tại Mỹ, khi biết tên một người lạ mà ta dùng tên họ của người ấy để xưng hô thì được coi là cử chỉ thân thiện, lịch thiệp. Tập tục này được các nhân viên bán hàng trong các siêu thị như Safeway, Albertson triệt để áp dụng nhằm thu hút mối thiện cảm của khách hàng đối với cửa tiệm.

2. Về Tên Đệm: Người phương Tây, khi viết hay gọi nhân vật nào chỉ dùng tên chính hay tên họ và bỏ tên đệm. Đôi khi có dùng tên đệm nhưng viết tắt. Ví dụ khi nói về cựu Tổng thống Mỹ là Barack Obama mà không nói Barack Hussein Obama , hoặc Bill Clinton (1946-), mà không nói Bill Jefferson Clinton, hoặc Mikhail Gorbachev (1931-), mà không nói Mikhail Sergeyevich Gorbachev.

3. Dùng Tên Chính: Với người tây phương, chỉ những người trong gia đình, bạn bè thân thiết, hoặc đồng nghiệp quen biết, mới được dùng tên chính để xưng hô. Không quen biết mà dùng tên chính để gọi là không lịch sự.

4. Tục Lệ Gọi Tên Đơn: Tại Pháp nhiều người có tên đôi như ứng cử viên tổng thống Pháp năm 2002 là Jean-Marie Le Pen. Người có tên ba chữ như văn hào André-Paul-Guillaume Gide (1869-1951). Người có tên bốn chữ như văn hào Henri-René-Albert-Guy de Maupassant (1850-1893). Tất cả những người trên đều có tên hai hoặc ba chữ ghép lại, nhưng người Pháp chỉ dùng tên đơn để xưng hô như André Gide, Guy de Maupassant.

5. Dùng Tên Viết Tắt: Người Hoa Kỳ có thể gọi một người nào đó bằng tên viết tắt. Ví dụ Giáo sư J. N. Hook mà sách của ông chúng tôi dùng làm tài liệu tham khảo, được người ta gọi là Mr. J. N. Mẫu tự J là tên chính, do chữ Julius, mẫu tự N là tên đệm, do chữ Nicolas. Một anh học trò Mỹ của tôi yêu cầu tôi gọi anh là C.J vì có tên chính là Charlton và tên đêm Jeffrey. Tổng Thống John F. Kennedy đôi khi được gọi là J.F.K. Vị Tổng Thống thứ 18 của Hoa Kỳ có tên tắt là U. S. Grant do chữ Ulysses Simpson Grant.

6. Dùng Tên Hiệu: Tại Hoa Kỳ, và các nước Âu Châu, người ta cũng chỉ biết các văn nghệ sĩ, minh tinh, tài tử điện ảnh qua các tên hiệu. Nguồn xuất phát tên hiệu của tài tử, minh tinh Mỹ là trung tâm điện ảnh Hollywood. Mục đích của Hollywood là muốn người diễn viên có tên gợi cảm, dễ gây cảm tình với khán giả. Ví dụ tài tử Tony Curtis tên thật là Bernard Schwartz. Ca sĩ Dean Martin tên thật là Dino Crocetti. Nữ minh tinh Marilyn Monroe tên thật là Norma Jean Mortenson, và nữ ca sĩ Lana Turner có tên thật là Julia Jean Mildred Frances Turner. Tại Pháp, cô đào Brigitte Bardot, nổi tiếng vào thập niên 1960, có tên thật là Camille Javal.
TIẾT B: NGUYÊN TẮC XƯNG HÔ TÊN PHỤ NỮ CÓ CHỒNG, CHỨC VỤ, NGHỀ NGHIỆP

1. Xưng Hô Tên Người Phụ Nữ Có Chồng: Tại Hoa Kỳ cũng như các quốc gia Âu Châu, người phụ nữ đi lấy chồng, tục lệ và luật pháp quy định cô được giữ tên chính, còn tên họ phải đổi sang họ chồng. Do vậy, khi xưng hô, những người thân quen sẽ dùng tên cái hay tên chính của cô, còn những người xa lạ, sẽ gọi cô bằng tên họ của chồng. Tuy nhiên, trường hợp các minh tinh màn bạc thì khác, chồng có nổi danh bao nhiêu thì họ vẫn giữ tên hiệu hay nghệ danh của họ. Elizabeth Taylor đã thay đổi chồng cả chục lần. Ðã hai lần nam tài tử Richard Burton là chồng của bà, nhưng chẳng ai gọi là bà Elizabeth Burton, mà vẫn gọi Elizabeth Taylor.

2. Cách Xưng Hô Tên Chức Vụ, Nghề Nghiệp, Học Vị: Nói một cách tổng quát, trong giao tế thường nhật, nguyên tắc xưng hô của người Hoa Kỳ và Âu Châu đối với các chức vụ, nghề nghiệp, học vị cũng giống với kiểu xưng hô của mọi nước. Tuy nhiên, về phương diện ngoại giao, lối xưng hô của người người tây phương rất phức tạp. Muốn xưng hô với một giới chức cao cấp cho đúng nghi thức ngoại giao, người ta phải mở từ điển để tham khảo. Sau đây là một số kiểu cách xưng hô chính thức đối với các giới chức cao cấp Hoa Kỳ.

a. Với các chức vụ tôn giáo: Giới chức tôn giáo có phẩm trật thấp, chức vụ đặt trước tên chính. Giới chức phẩm trật cao từ Giám Mục trở lên, chức vụ đặt sau tên chính. Ví dụ:

-The Reverend John R. Smith: Linh mục John R. Smith.

-The Right Reverend Monsignor John R. Smith: Đức Ông John R. Smith.

-The Most Reverend John R. Smith - Archbishop of San Jose: Ðức Tổng Giám Mục John R. Smith - Giáo phận San Jose.

b. Với các giới chức đại học. Học vị đặt trước, chức vụ đặt sau tên chính. Ví dụ Dr. John R. Smith - Professor of…Tiến Sĩ John R. Smith, Giáo sư đại học….

c. Giới chức ngoại giao: Ví dụ:

-The Honorable  John R. Smith  - American Ambassador. Ngài John R.Smith   - Đại sứ Hoa Kỳ.

-Her Exellency The Right Honorable Amelia R. Smith - British Ambassador: Ngài Amelia R. Smith - Nữ Đại sứ Anh Quốc.

d. Giới chức chính quyền: The Honorable - President of the United States. Ngài Donald Trump -Tổng Thống Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ.

e. Các luật sư, nha sĩ, y sĩ : Chỉ có ba nghề này là khi xưng hô, dân Mỹ còn kèm theo tên và nghề nghiệp. Ví dụ:

-John R. Smith - Attorney at-Law: Luật sư John R. Smith.

-John R. Smith, D.D.S hay Dr. John R. Smith: Nha sĩ John R. Smith.

-Dr. John R. Smith hay John R. Smith, M.D.: Bác sĩ John R. Smith.

f. Về học vị: Người có văn bằng Tiến Sĩ, gọi tắt là Dr. do chữ doctor, sẽ được người Hoa Kỳ gọi chung với tên. Ví dụ Dr. Martin Luther King. Trừ văn bằng Tiến Sĩ, theo nguyên tắc, không một học vị nào khác được cho đi kèm với tên. Nếu đang giữ một chức vụ, học vị có thể đặt trước hay sau chức vụ. Ví dụ Dr. Reverend Martin Luther King hay Reverend Dr. Martin Luther King: Mục sư Tiến Sĩ Martin Luther King.



Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Sức mạnh kinh hoàng của thủy quân Tây Sơn

Cải cách ở Xiêm và Việt Nam cuối TK 19, đầu TK 20

Cuộc tấn công của quân Xiêm vào Nam Kỳ năm 1783 những điều mà sử sách Việt Nam chưa nói đến