Họ Hồng Bàng


họ Hồng Bàng là do Ngô Sĩ Liên mới đưa vào Toàn thư hồi cuối thế kỷ XV, nhằm tìm một ông tổ chánh gốc Trung quốc cho Giao Chỉ (Bắc Việt). Và gốc cái “Ngoại kỷ Hồng Bàng thị” trong Toàn thư kia cũng không ở đâu xa, là sưu tầm từ Lĩnh Nam chích quái mà thôi.
Như tên sách, “chích” 摭 nghĩa là nhón lấy, nhặt lấy. Lĩnh Nam chích quái 嶺南摭怪 là tuyển tập sưu tầm những chuyện kỳ quái ở đất Lĩnh Nam.
Còn địa danh Lĩnh Nam vốn có hai nghĩa. Ở nghĩa rộng, nó là vùng đất mênh mông bao gồm các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, Hải Nam, Hồ Nam, Giang Tây, và cái thẻo đất lủng lẳng trong kẹt háng của Trung Hoa, mà sau này sẽ thành Giao Chỉ tức Bắc Việt. Theo nghĩa hẹp thì Lĩnh Nam dùng để chỉ khu vực phía nam của dãy Ngũ lĩnh. Lĩnh Nam còn gọi “Lĩnh ngoại”, “Lĩnh biểu” (chữ biểu 表 đồng nghĩa với ngoại 外, cùng là “bên ngoài”).
Điều lạ thường là ở Giao Chỉ, danh từ Lĩnh Nam cũng tương tự với nghĩa rộng trên kia, và còn được mặc định đó là đất đai thuộc sở hữu sẵn có tự cao tằng tổ khảo của dòng giống Lạc Việt, bất chấp thực tế địa lý lưu vực sông Hồng cách dãy Ngũ lĩnh vạn dặm, vậy mới lạ
Chích quái 1
Bản chép tay “Lĩnh Nam chích quái” lưu trữ tại Thư viện Quốc gia Việt Nam.
Và các học giả nước ta sẽ luôn hiểu từ “Lĩnh Nam” của tựa sách Lĩnh Nam chích quái theo cái nghĩa đặc dị đó, bất chấp những truyền kỳ chép trong đó phần lớn là cóp nhặt của các tộc khác[1].
Bộ Lĩnh Nam chích quái được hình thành cùng một kiểu như bộ quốc sử Đại Việt sử ký toàn thư, nghĩa là các đời sau cứ lôi bản đời trước ra chỉnh lý theo ý của mình. Cõi An Nam văn vật từ xưa vốn chẳng có chút khái niệm nào về tác quyền, vậy nên tác phẩm văn hiến truyền đến đời sau thành một đám hỗn độn, chẳng thể phân biệt đoạn nào của ai, viết vào thời nào nữa.
Soạn giả ban đầu được cho là Trần Thế Pháp, một “danh sĩ” đời Trần, nhưng chẳng ai biết tiểu sử ông, thậm chí mù mịt cả năm sinh năm mất. Chỉ thấy trong Kiến văn tiểu lục của Lê Quý Đôn có ghi Lĩnh Nam chích quái là do Pháp soạn.
Đến 1492 (niên hiệu Hồng Đức 23), Vũ Quỳnh nhuận chính, cũng chẳng màng đả động tên tuổi người soạn ban đầu. Rồi 1679, có Nguyễn Nam Kim đưa thêm vào 4 truyện. Năm 1749, Vũ Đình Quyền phụng chỉ Lê Duy Diêu (sau khi băng, được tôn miếu hiệu Lê Hiển tông) soạn thêm 2 truyện. 1757, Vũ Khâm Lân lại soạn thêm đưa vào, không rõ nhiêu truyện. Sang đời Mạc, lại có Đoàn Vĩnh Phúc tham gia bổ sung truyền kỳ cho “Lĩnh Nam”.
Tổng cộng, sách có 45 truyện, nhưng may thay, đến nay chỉ còn 22. Và truyện đầu tiên chính là họ Hồng Bàng.
Ngoại kỷ Toàn thư kể về Kinh Dương vương không chỉ là cải biên từ tiểu thuyết thần kỳ “Liễu Nghị truyện” của Lý Triều Uy nhà Đường. Mà hơn thế nữa, phần Kỷ mở đầu cho quốc sử An Nam này cũng chính là đoạn mở đầu của Lĩnh Nam chích quái. Thử so sánh, đây là Kỷ Hồng Bàng thị trong Toàn thư:
“Kinh Dương vương. Tên húy là Lộc Tục, con cháu họ Thần Nông. (…) Xưa cháu ba đời của Viêm đế họ Thần Nông là Đế Minh sinh ra Đế Nghi, sau Đế Minh nhân đi tuần phương Nam, đến Ngũ lĩnh lấy con gái Vụ Tiên, sinh ra vua [Kinh Dương vương]. Vua là bậc thánh trí thông minh, Đế Minh rất yêu quý, muốn cho nối ngôi. Vua cố nhường cho anh, không dám vâng mệnh. Đế Minh mới lập Đế Nghi là con nối ngôi, cai quản phương Bắc, phong cho vua làm Kinh Dương vương, cai quản phương Nam, gọi là nước Xích Quỷ. Vua lấy con gái Động Đình quân tên là Thần Long sinh ra Lạc Long quân (Xét Đường kỷ chép: thời Kinh Dương có người đàn bà chăn dê, tự xưng là con gái út của Động Đình quân, lấy con thứ của Kinh Xuyên, bị bỏ, viết thư nhờ Liễu Nghị tâu với Động Đình quân. Thế thì Kinh Xuyên và Động Đình đời đời làm thông gia với nhau đã từ lâu rồi)”[2].
Và đây là đoạn mở đầu truyện họ Hồng Bàng của Lĩnh Nam chích quái:
“Đế Minh cháu ba đời Viêm đế Thần Nông sinh ra Đế Nghi, nhân đi tuần về phía Nam đến núi Ngũ lĩnh mừng gặp và lấy được con gái bà Vụ Tiên rồi trở về, sinh ra Lộc Tục. Lộc Tục mặt mày sáng sủa, thông minh phúc hậu, Đế Minh rất lấy làm lạ, muốn cho nối ngôi mình. Lộc Tục cố từ, xin nhường cho anh là Đế Nghi. Đế Minh liền lập Đế Nghi làm người nối ngôi cai trị đất phương Bắc, phong cho Lộc Tục làm Kinh Dương vương để cai trị đất phương Nam, lấy hiệu nước là Xích Quỷ. Kinh Dương vương có tài đi dưới thủy phủ, lấy Long nữ là con gái Long vương ở hồ Động Đình, sinh ra Sùng Lãm hiệu là Lạc Long quân, cho nối ngôi trị nước. Kinh Dương vương không biết đi đâu mất”[3].
Dùng chuyện hoang đường làm chính sử, Ngô Sĩ Liên chẳng những có công tạo dựng tổ tiên cho nòi Hồng Lạc, mà còn làm điên đảo các học giả nước ta đời sau. Họ lũ lượt nhau vin vào cái nguồn cội hồ Động Đình, sự trùng hợp đồng âm giữa họ Hùng 熊 (con gấu) của các vua nước Sở với chữ Hùng 雄 (con chim trống, aka biết đạp mái) của Hùng vương. Kèm theo đó là cách gọi con gái vua Sở là Mị giống như Mị nương của An Nam. Từ đó hàng đống sách vở lý thuyết được đặt ra để nhận An Nam là giống hoàng gia của Sở, chắc cũng oai phong lắm, cỡ ngang hàng Hạng Tịch không chừng. Ít ai chịu dò lại gốc của họ Hồng Bàng kia là từ tiểu thuyết xà thần ngưu quỷ xuất hiện, để nhận rằng mình đã đặt giả thuyết trên nền tảng của một cú lừa ngoạn mục.
_______

[1] Đây là sự sao chép, không phải dị bản cổ tích. Sẽ lần lượt điểm các truyện trong Lĩnh Nam chích quái để đối chiếu và chứng minh.
[2] Nguyên văn: 涇陽王 諱祿續,神農氏之後也。炎帝神農氏三世孫帝明,生帝宜。既而南巡至五嶺,接得婺僊女,生王。王聖智聰明,帝明奇之,欲使嗣位。王固讓其兄,不敢奉命。帝明於是立帝宜為嗣,治北北,封王為涇陽王,治南方,號赤鬼國。王娶洞庭君女,曰神龍,生貉龍君〈按《唐紀》,涇陽時有牧羊婦,自謂洞庭君少女。嫁涇川次子,被黜。寄書與柳毅,奏洞庭君。則涇川、洞庭世為婚姻,有自來矣〉。
[3] Nguyên văn: 炎帝神農氏三世孫帝明,生帝宜,南巡狩至五嶺,得婺仙之女,納而歸。生祿續,容貌端正,聰明夙成。帝明奇之,使嗣位。祿續固辭,讓其兄。乃立宜為嗣,以治此〔北〕地。封祿續為涇陽王,以治南方,號為赤鬼國。涇陽王能行水府(一作入水),娶洞庭君龍王女,生崇纜,號為貉龍君,代治其國。涇陽王不知所之。

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Sức mạnh kinh hoàng của thủy quân Tây Sơn

Cải cách ở Xiêm và Việt Nam cuối TK 19, đầu TK 20

Cuộc tấn công của quân Xiêm vào Nam Kỳ năm 1783 những điều mà sử sách Việt Nam chưa nói đến