Lực lượng nhà Thanh đánh sang Đại Việt
1.2.1. Quân chính quy
Theo những chi tiết ghi trong các tài liệu của Thanh triều (Khâm Ðịnh An Nam Kỷ Lược, Thanh Cao Tông Thuần Hoàng Ðế Thực Lục, Thanh Sử Cảo, Ðông Hoa Tục Lục và các sổ sách của Bộ Hộ, Bộ Binh …) được Lai Phúc Thuận (賴福順) tổng kết trong Càn Long Trọng Yếu Chiến Tranh chi Quân Nhu Nghiên Cứu (乾隆重要戰爭之軍需研 究) thì quân Thanh chia làm hai đạo chính: Quảng Tây và Vân Nam.
1.2.1.1. Lưỡng Quảng
Thoạt tiên nhà Thanh điều động 5,000 quân Quảng Ðông, 10,000 quân tỉnh Quảng Tây, tổng cộng là 15,000 người. Về sau Tôn Sĩ Nghị thấy 15,000 không đủ nên lạiđiều động thêm 3,000 lính nữa từ Quảng Ðông, 3,500 lính từ Quảng Tây nâng con số mặt đông lên tổng cộng 21,500 người, nếu tính cả phu dịch chăn ngựa thì vào khoảng 23,000 Thanh binh các loại.
Tháng Giêng năm Càn Long thứ 54 (Kỷ Dậu, 1789), sau khi triệt binh, nhà Thanh lại đưa thêm 3,000 quân tỉnh Quảng Ðông, 2,100 quân tỉnh Quảng Tây đến Nam Quan chia ra các nơi phòng thủ, ngoài ra tổng binh trấn Hữu Giang là Vương Lâm cũng điều động từ 900 đến 1,400 quân chia ra canh phòng các cửa ải thuộc phủ Trấn An. Quân số chính thức của hai tỉnh Quảng Ðông – Quảng Tây dùng vào chiến dịch vào khoảng 3 vạn người (mặc dù một số binh sĩ chỉ mới điều động nhưng chưa di chuyển sang nước ta), không tính phu phen và thổ binh, hương dũng.
1.2.1.1.1 Quảng Ðông:
Quân Quảng Ðông từ Quảng Châu đưa tới, theo đường thủy đến phủ Triệu Khánh, qua huyện Phong Châu ra khỏi cảnh giới [biên giới hai tỉnh Quảng Ðông – Quảng Tây] vào huyện Thương Ngô, phủ Ngô Châu (Quảng Tây) đi qua phủ Tầm Châu, Nam Ninh đến bến đò huyện Tuyên Hóa, rồi từ đó đi theo đường bộ đến huyện Sùng Thiện, phủ Thái Bình, từ châu Ninh Minh mà qua Nam Quan để vào nước ta.
Năm ngàn quân (đợt I) điều động từ tỉnh Quảng Ðông gồm có bao quát (quân địa phương) và đề tiêu (quân trực thuộc đề đốc) mỗi đội 1,500 người, cánh tả, cánh hữu mỗi cánh 1,000 người, do hai tổng binh Trương Triều Long, và Lý Hóa Long chỉ huy, chia từng đội 500 người tổng cộng là mười đội lần lượt kéo đến biên cảnh Quảng Tây. Những quân này là quân mới đánh Ðài Loan, phần lớn vừa trở lại quân doanh thì đã bị xuất chinh lần nữa.
Quân Quảng Ðông vào huyệân Thương Ngô (Quảng Tây) thì đã ra khỏi địa giới tỉnh mình, chiếu theo qui định về quân nhu thì khi nào còn ở bản tỉnh – từ lúc xuất quânđến khi tới giáp giới hai tỉnh – chỉ mang theo gạo ăn, không cần mang muối hay đồ ăn, còn khi đã rời khỏi bản tỉnh thì tất cả gạo muối thức ăn đều được chu cấp. Nếu thắng trận trở về thì đến bản tỉnh cũng chỉ phải mang theo gạo ăn, quan viên các tỉnh sẽ ứng chiếu cung cấp dân đinh phục dịch những nhu cầu khác.
Quan binh tỉnh Quảng Tây chiếu theo như thế mà cấp, chỉ có đến Nam Quan rồi, ở nội địa thì theo luật trong nước, ra khỏi quan thì theo luật xuất cảnh. Thế nhưng Tôn Sĩ Nghị lại ra lệnh cho những viên chức biện sự, quan binh từ khi chưa xuất cảnh cũng chiếu theo chiết giảm thực phẩm, định rằng mỗi người quan binh mỗi ngàyđược phát lương hai lần, phó tướng 1 tiền 6 phân, tham tướng, du kích 1 tiền, đô ti 7 phân, thủ bị 6 phân, thiên, bả tổng cho chí ngoại ủy 4 phân, tiền đó bao gồm cả gạo lẫn đồ ăn, muối mắm. Lính 2 phân, còn binh đinh, căn dịch (lính chăn ngựa), dư đinh (phu phen) mỗi ngày được 8 hợp 3 dược gạo.[110]
Cứ tính theo lương bổng lúc bình thời, việc cấp dưỡng như thế bị giảm bớt nhiều, nếu tính một tháng thì phó tướng bị bớt đi 2 lượng 4 tiền, tham tướng, du kích 1 lượng 2 tiền, đô ti 9 tiền, thủ bị 6 tiền, thiên thống 8 tiền, bả tổng, ngoại ủy 3 tiền, binh lính phu phen 3 tiền. Ðổ đồng ra lương lậu bị giảm khoảng 30%, trong đó thiên tổng, binh đinh bị giảm nhiều nhất.[111]
Vào thời kỳ này bên ngoài cũng như bên trong Nam Quan, mưa dầm rất nhiều, đường đi lại càng khó khăn, mấy năm liền bị hạn hán nhưng từ vào thu đến nay lại quá nhiều nước, nhiều đoạn đường núi bị ngập. Từ Nam Quan đến Thăng Long, đường khoảng 600 dặm, đi qua ba con sông Thọ Xương, Thị Cầu, Phú Lương, nước sông chảy xiết, binh mã qua lại rất khó khăn, phải đến trung tuần tháng Mười trời tạnh ráo, đại binh lúc ấy mới tiến qua được. Bốn ngàn quân lính phòng thủ các ải của tỉnh Quảng Tây vì bị mưa dầm nên rất đông người bị bệnh. Còn quân của tỉnh Quảng Ðông bị điều đi từ cuối tháng Chín, mất 10 ngày từ mồng 1 đến ngày 11 tháng Mười [29-10 đến 8-11-1788] tất cả mới ra khỏi cảnh giới nhưng phải sau ngày 20 tháng Một [17-12-1788] mới đến được Nam Quan.
Tôn Sĩ Nghị không đợi cho quân Quảng Ðông đến đủ số đã ra lệnh phát binh, đích thân hối thúc quan binh, cho rằng đã trễ lắm rồi. Thế nhưng thời đó bên ngoài Nam Quan trời mưa tầm tã, quân có đi cũng ướt át lầy lội, nếu ra khỏi cửa quan rồi đứng lại chờ thì cũng thế, đành phải đợi đến trung tuần tháng Mười về sau, trời tạnh ráo mới tiếp tục đi.
Ngày 28 tháng Mười, giờ Mão [25-11-1788] quân Thanh tế cờ mở cửa ải tiến qua. Tôn Sĩ Nghị đích thân đưa 3,800 quân tỉnh Quảng Tây, thêm 1,500 quân tỉnh Quảng Ðông, tổng cộng 5,300 người xuất phát, tới Lạng Sơn thì đóng quân đợi viện binh. Ngày 12 tháng Một [9-12-1788], thêm 3,500 quân Quảng Ðông, 1,200 quân tỉnh Quảng Tây đến, Tôn Sĩ Nghị phân bố 2,000 quân phòng thủ trên đường đi, đưa 8,000 quân tiến lên.
1.2.1.1.2. Quảng Tây:
Về tỉnh Quảng Tây, ngoài 5000 quân bản bộ, Tôn Sĩ Nghị cũng điều động 4000 quân đang trấn giữ ở Nam Quan và các cửa ải, lại tuyển thêm 1000 quân bổ sung thành 5000 người nâng quân số của tỉnh Quảng Tây lên tổng cộng 10,000 người.[112] Ngoài lính ra, Quảng Tây còn mang theo 423 con ngựa, về sau tăng viện 3,500 binh sĩ, tổng cộng 13,500 quân và 423 ngựa.
Tính như thế tổng cộng số quân do Tôn Sĩ Nghị trực tiếp chỉ huy bao gồm hai tỉnh Quảng Ðông, Quảng Tây là 21,500 quân và 751 con ngựa. Trong số này, khoảng chừng 18,000 người qua Nam Quan tiến vào Thăng Long, 5,000 còn lại chia thành ba toán, 2,000 người ở lại phòng thủ Lạng Sơn, 1300 người chia ra canh gác 17 kho lương thực được thành lập dọc theo tuyến đường từ Lạng Sơn đến kinh đô, 1700 người khác chia ra canh phòng các nơi hiểm yếu.[113]
Ðường qua nước ta lắm rừng nhiều núi, súng lớn (大礟) không thể mang theo được nên chỉ đem được loại nhỏ hơn gọi là phách sơn pháo (劈山礟) vì tương đối gọn nhẹ dễ vận chuyển. Có điều Quảng Tây lại không được trang bị loại súng này, Tôn Sĩ Nghị phải điều động đem 20 khẩu phách sơn pháo từ Quảng Ðông sang.
1.2.1.2. Vân Quí
Các phủ Khai Hóa và Lâm An của Vân Nam thông với An Nam, trong đó huyện Mông Tự tiếp giáp với trấn Hưng Hóa của nước ta, từ Lâm An đến biên giới khoảng chừng hơn 30 trạm, từ biên giới Hưng Hóa đến Thăng Long, xa gần thế nào, qua những vùng nào thì quân Thanh cũng không biết đích xác. Từ Lâm An đến biên giới phải qua 3 con sông, đều phải qua đất của dân thiểu số, chướng khí rất nặng, nước sông tuy chảy xuôi nhưng lại không có thuyền bè gì mà qua được, cũng chẳng biết làđi đến đâu. Một đường do phủ Khai Hóa tới Mã Bạch Quan rồi qua Tuyên Quang xuống Thăng Long, lộ trình phải qua hơn 20 trạm, gần hơn lối Mông Tự, khí hậu cũng dễ chịu hơn, lại không xa đất Cao Bằng, Lạng Sơn.
Ngày 15 tháng Chín [13-10-1788], tổng đốc Vân Quí là Phú Cương phụng chỉ điều 3,000 quân từ ba phủ Khai Hóa, Lâm An, Quảng Nam (thuộc Vân Nam), lại sai tổng binh Khai Hóa Tôn Khởi Giao đưa thêm 2,000 quân của hai phủ Lâm An, Khai Hóa đến đóng tại Mã Bạch Quan, cùng với 3,000 người ở các doanh khác, định ngày mồng 10 tháng Một sẽ cùng đến biên giới nước ta.
Ngày 13 tháng Một [10-12-1788], Phú Cương dẫn 1,000 binh đến Mã Bạch, cộng thêm 2,000 quân trú đóng sẵn nơi đây chia thành từng đội định ngày 17 [14-12] ra khỏi cửa ải. Tuy nhiên vì phu lương chưa đủ nên phải hoãn lại đến giờ Thìn ngày 20 [17-12] mới khởi trình, 3,000 binh chia làm ba ngả sai phó tướng Ðịnh Trụ điđầu, Phú Cương, Ô Ðại Kinh dẫn hai đội theo sau. Còn những binh lính chưa tới kịp thì sau đó sẽ đi.
Theo Sư Phạm trong Chinh An Nam Kỷ Lược thì cánh quân Vân – Quí điều động 20,000 dân phu, chia ra để vận chuyển 25 đài trạm. Ngoài ra họ cũng dùng đến 2000 con ngựa và 2000 con bò để chuyên chở lương thực.
Ra khỏi cửa ải đường rừng rậm rạp, lộ trình càng thêm hiểm trở, 1000 lính thuộc phủ Quảng Nam và 500 lính thuộc phủ Phú Châu thông thạo đường lối nên đi trước dẫn đường. Quân Thanh phải đi qua những triền núi rất hẹp, leo trèo, dắt díu nhau mà tiến theo hàng một, mỗi ngày chỉ đi được ba bốn chục dặm.
Tính như thế tổng cộng tất cả quân số của Vân Nam – Quí Châu sử dụng là 8000 người do Ô Ðại Kinh và Ðịnh Trụ chỉ huy nhưng đợt đầu tiên chỉ đem 3000 quân đi trước, 5000 quân đóng tại biên giới chờ lệnh. Theo tài liệu của nhà Thanh, tổng đốc Vân Quí Phú Cương tình nguyện chỉ huy 5000 quân cùng với đề đốc Ô Ðại Kinh xuất quan nhưng vua Cao Tông không bằng lòng, lấy lý do là một đoàn quân không thể có hai nguyên soái ngang nhau, không người nào dưới người nào.[114] Thành thử khi ra khỏi cửa ải chỉ có Ô Ðại Kinh và Ðịnh Trụ mà thôi.
1.2.2. Quân phụ trợ
1.2.2.1. Thổ binh
Các trấn, hiệp, doanh tại đốc phủ đề lân cận cũng được lệnh chuẩn bị thêm vài nghìn quân để điều động sau, tính ra riêng tỉnh Vân Nam cũng đã dự bị cả thảy hơn một vạn quân. Ngoài ra còn thổ quan châu Bảo Lạc là Nông Phúc Tấn (農福縉) cũng tình nguyện đem 2000 quân đi theo, Tôn Sĩ Nghị liền sai y tấn công Cao Bằng. Thổ ti Ðiền châu (田洲) là Sầm Nghi Ðống (岑宜棟) cũng dẫn 2000 thổ binh đến Thái Bình [Quảng Tây] đi theo quân Thanh.[115] Ngoài ra còn thổ quan (quan lại người thiểu số ở các vùng trung, thượng du nước ta) Ðô Long (都龍) là Hoàng Văn Trăn (黃文溱) và thổ quan Bảo Thắng (保勝) là Hoàng Văn Thao (黃文韜) cũng đem quân đi theo để đánh Tây Sơn. Riêng mạc hữu xưởng Ba Bồng (波篷) là Lâm Tế Thanh (林際清) được nhà Thanh đặc thưởng hàm tri huyện, thống suất những người trong xưởng đi theo quân Thanh.
Ở cánh quân Vân Quí, nhà Thanh cũng điều động 1,500 thổ binh vùng biên giới Hoa – Việt để dẫn đường nhưng cánh quân này không đụng độ với quân Nam thì đã rút về nước. Tổng số thổ binh như vậy vào khoảng 5,500 quân mặc dầu không ít quân của một số châu huyện phía bắc nước ta cũng nhân dịp này tiếp tay với địch, gia nhập đoàn quân viễn chinh.
1.2.2.2. Mã phu
Quan binh hai tỉnh Quảng Ðông, Quảng Tây cùng các phu phen, binh lính chuyên chở lương thảo, đường bộ và đường thủy, tốn phí tổng cộng hơn 70,800 lượng bạc. Năm Càn Long thứ 53, tỉnh Quảng Ðông điều động 5000 quân, đem theo 266 con ngựa, Quảng Tây điều động 10,000 quân cùng 423 con ngựa. Năm Càn Long thứ 54 lại điều thêm 3000 quân tỉnh Quảng Ðông, thêm 62 con ngựa, tỉnh Quảng Tây thêm 3,500 binh sĩ nhưng không đem thêm ngựa. Theo tiêu chuẩn mỗi con ngựa là 2 người phu thì họ phải điều động thêm khoảng 1500 dân phu để phục dịch cho 751 con ngựa, riêng cánh quân phía đông (Lưỡng Quảng) tổng cộng cả lính lẫn phu chăn ngựa lên khoảng trên dưới 23,000 người. Cũng nên nói rõ là ngựa mà quân Thanh dùng trong chiến dịch không phải là loại ngựa chiến mà là loại ngựa bản địa, nhỏ nhưng dai sức để dùng cho quan quân cưỡi và chở đồ đạc, súng đạn.[116]
Ngựa được nuôi bằng đậu mà tỉnh Quảng Tây không sản xuất được đậu nên khi đi qua châu huyện nào thì các trạm sẽ ứng chiếu cung cấp bốn thăng thóc, mỗi thạch trả cho 4 tiền, 10 cân cỏ tính thành một bó.
Ra khỏi cửa ải rồi (tức qua bên nước ta) trên đường tới Thăng Long vì đường đi gập ghềnh hiểm trở, đất bằng rất ít, ngựa không thể đi nhanh nên tính theo lối cũ, mỗi con ngựa ngày cho ăn 4 thăng đậu như lúc bình thời nuôi doanh mã, thêm 5 thăng 3 hợp 3 dược thóc nhưng vì ra ngoài không có thóc cho ngựa ăn nên đổi thành 2 thăng 6 hợp 6 dược gạo và 2 bó cỏ, chiếu quân nhu tính giá là 2 phân bạc.
Những quan binh không có ngựa thì chiếu tiền nuôi ngựa mà cấp cho để trả phu phen. Tổng kết lần này quan binh Lưỡng Quảng, cả lính lẫn ngựa cùng phu phen, hao phí 22,153 lượng bạc, gạo 2,804 thạch gạo. Những quan đi ngựa trên bộ, mỗi con ngựa được cấp hai người phu, còn những phu phen, ngựa cần thêm thì các trạm tùy theo nhu cầu mà cung ứng, nếu không có đủ thì bắt thêm dân phu. Phu phen cứ theo lệ mỗi người được trả 5 phân bạc, không có gạo nhưng lần này ở quan nội thì mỗi người được 5 phân, ra quan ngoại thì được 8 phân, mỗi ngày được một thăng gạo. Trước đây khi ra đánh các vùng quan ngoại (miền bắc) thì ngựa cho thả rong kiếmăn nhưng lần này Thanh triều phải cấp gạo cỏ cho ngựa vì tình hình địa thế không giống nơi khác.
1.2.2.3. Dân phu
Ngoài thành phần lính chính qui, quân Thanh còn có thêm những đoàn dân phu đi theo để chăn ngựa, khuân vác nhưng không rõ rệt là bao nhiêu, được sử dụng theo từng công tác hay đi kèm theo với quân đội. Ðể làm công tác vận tải súng ống, quân dụng, canh giữ và chuyển vận lương thảo … đóng rải rác dọc theo trục lộ tiến quân hay phục dịch tại mặt trận họ cũng điều động một lượng dân phu tính ra còn đông hơn cả binh sĩ.
Số người này phần lớn là dân chúng vùng nam Trung Hoa bị bắt đi làm công không lương (được cơm ăn trong số gạo họ mang vác) và cả một số người Việt tại các vùng biên giới. Riêng cánh quân Quảng Tây đã lên đến 54,000 người. Con số dân phu Vân Quí như trên đã viết là 20,000 người để vận chuyển 40,000 thạch gạo. Ngoài ra, dân phu thường xoay chuyển (rotation) hết đoàn này đến đoàn khác nên qua lại nhộn
* thạch: 125 cân khoảng 74.5 kg (đời Thanh).
* thạch: 125 cân khoảng 74.5 kg (đời Thanh).
Ngày xưa, đơn vị đo lường 10 hợp thành một thăng, 10 thăng thành một đấu, 10 đấu thành 1 thạch.
Như vậy tính đơn giản thì 1 thăng khoảng 745 gram, 1 đấu khoảng 7.45 kg.
Trích: Việt-Thanh chiến dịch-Nguyễn Duy Chính
Nhận xét
Đăng nhận xét