Nhà Tống Lấy Đất Quảng Nguyên
Tống triều đươc. tin quân nhà Lý sang đánh phá ở châu Khâm, châu Liêm và châu Ung, lấy làm tức giận lắm, bèn sai Quách Quì làm Chiêu thảo sứ, Triệu Tiết làm phó, đem 9 tướng quân cùng hội với nước Chiêm thành và Chân lạp chia đường sang đánh nước Nam ta.
Tháng chạp năm bính thìn (1076) quân nhà Tống vào địa hạt nước ta. Lý triều sai Lý thường Kiệt đem binh đi cự địch. Thường Kiệt đánh chặn quân nhà Tống ở sông Như nguyệt (làng Như nguyệt ở Bắc ninh, tức là sông Cầu bây giờ). Quân nhà Tống đánh trận ấy chết hơn 1.000 người, Quách Quì tiến quân về phía tây, đến đóng ở bờ sông Phú lương30.
Lý thường Kiệt đem binh thuyền lên đón đánh không cho quân nhà Tống sang sông. Quân Tống mới chặt gỗ làm máy bắn đá sang như mưa, thuyền của ta thủng nát mất nhiều, quân sĩ chết hàng mấy nghìn người. Lúc bấy giờ quân nhà Tống đánh hăng lắm, Lý thường Kiệt hết sức chống giữ, nhưng sợ quân mình có ngã lòng chăng, bèn đặt ra một chuyện nói rằng có thần cho bốn câu thơ :
Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư
Quân lính nghe đọc mấy câu thơ ấy, ai nấy đều nức lòng đáng giặc, quân nhà Tống không tiến lên được. Hai bên cứ chống giữ nhau mãi. Lý triều sợ đánh lâu không lợi, bèn sai sứ sang Tống xin hoãn binh.
Vua Tống thấy quân mình không tiến lên được, mà lại đóng ở chỗ chướng địa, quân sĩ trước sang hơn 8 vạn, sau chết đến quá nửa, cho nên cũng thuận hoãn binh lui về, chiếm giữ châu Quảng nguyên (bây giờ là châu Quảng uyên, tỉnh Cao bằng), châu Tư lang (bây giờ là châu Thượng lang và Hạ lang, tỉnh Cao bằng), châu Tô, châu Mậu (ở giáp giới tỉnh Cao bằng và tỉnh Lạng sơn) và huyện Quảng lang (Ôn châu, tỉnh Lạng sơn).
Đến năm mậu ngọ (1078) Lý nhân Tông sai Đào tôn Nguyên đưa voi sang cống nhà Tống và đòi lại những châu huyện ở mạn Quảng nguyên. Vua Tống bắt phải trả những người châu Khâm, châu Liêm và châu Ung mà quân nhà Lý bắt về ngày trước, rồi mới trả châu huyện cho nhà Lý. Sang năm kỷ mùi (1079) Nhân tông cho những người Tàu về nước , tất cả chỉ có 221 người. Con trai thì thích ba chữ vào trán, từ 15 tuổi trở lên thì thích: Thiên tử binh; 20 tuổi trở lên thì thích: Đầu Nam triều; còn con gái thì thích vào tay trái hai chữ : Quan khách.
Đất Quảng nguyên từ khi bọn Quách Quì lấy được, cải tên là Thuận châu và có 3.000 quân Tống ở lại giữ, nhưng vì đất lam chướng, mười phần chết đến năm sáu.
Đến khi nhà Lý cho những người châu Khâm, châu Liêm và châu Ung về Tàu, vua nhà Tống trả lại châu Quảng nguyên. Nhưng vì có người nói rằng châu ấy có nhiều vàng, người Tống tiếc của, làm hai câu thơ rằng :
Nhân tham Giao chỉ tượng.
Đến mùa hạ năm giáp tí (1084) Nhân tông sai quan binh bộ Thị lang là Lê văn Thịnh sang nhà Tống bàn việc chia địa giới. Lê văn Thịnh phân giãi mọi lẽ, nhà Tống trả nốt cả mấy huyện mà trước còn giữ lại. Từ đó nước ta và nước Tàu lại thông sứ như cũ.
Năm đinh mão (1087) vua nhà Tống phong cho Nhân tông là Nam bình vương. Nhà Tống bấy giờ đã suy nhược, đến năm bính ngọ (1126) nước Kim (Mãn châu) sang lấy mất cả phía bắc nước Tàu, nhà Tống dời đô về đóng ở Hàng châu (thuộc Chiết giang) gọi là Nam tống
Nhận xét
Đăng nhận xét